Lượt xem: 26119

Hiệp định Pari đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Khác với Hội nghị quốc tế Giơnevơ về Đông Dương năm 1954, Hội nghị Pari là một cuộc đàm phán tay đôi do Việt Nam thắng lớn và chủ động đề xướng. Còn Mỹ, bị thất bại nặng nề buộc không thể không chấp nhận thương lượng để tìm một lối thoát danh dự. Mỹ phải coi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một bên đối thoại trực tiếp và bình đẳng để giải quyết mọi vấn đề của cuộc chiến tranh Việt Nam. Cuộc đàm phán Pari mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”, phản ánh một giai đoạn chiến đấu cực kỳ gay go, quyết liệt giữa Việt Nam và Mỹ. Đây cũng là đỉnh cao của sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng cả 3 mặt trận: Quân sự, chính trị và ngoại giao; giữa cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam trên chiến trường với cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán và trên trường quốc tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về Việt Nam. (Ảnh tư liệu). 

    Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968, ta buộc Mỹ phải ngồi vào bàn hội nghị. Ngày 13/5/1968, phiên họp đầu tiên của cuộc nói chuyện chính thức giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ ở cấp Bộ trưởng đã khai mạc tại Pari.

    Phối hợp với mặt trận quân sự, trong đợt đầu của cuộc nói chuyện (từ phiên họp ngày 13/5/1968 đến phiên họp chính thức bốn bên ngày 25/01/1969), chúng ta đã buộc Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc Việt Nam và nhận ngồi nói chuyện ở Hội nghị bốn bên.

    Trong đợt hai (từ 1969 - 1972), Đảng ta chủ trương mục tiêu chủ yếu của mặt trận ngoại giao lúc này là buộc Mỹ phải rút hết quân về nước, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta.

    Những cuộc thương lượng đã kéo dài với sự đấu tranh hết sức gay go, phức tạp do phía Mỹ luôn theo đuổi chính sách “đàm phán trên thế mạnh” đòi ta phải chấp nhận những điều kiện do Mỹ đặt ra. Năm 1969, sau khi lên cầm quyền, Ních-Xơn đã thi hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, mở rộng và đẩy mạnh cuộc chiến tranh lên tới mức ác liệt nhất, hòng cứu vãn tình thế của Mỹ và tay sai. Nhưng Mỹ vẫn thất bại và bọn tay sai ngày càng suy sụp nghiêm trọng.

    Ngày 08/10/1972, đoàn ta đưa ra bản dự thảo Hiệp định và hai bên đã thỏa thuận sẽ ký chính thức vào ngày 31/10/1972. Nhưng ngay sau đó trong các ngày 22, 23/10, Mỹ lại đòi “hoãn” ngày ký để thảo luận thêm, lấy cớ là Nguyễn Văn Thiệu phản đối, nhưng thực chất là để thực hiện mưu mô lật lọng, xảo quyệt của chúng. Chúng đòi thay đổi một số điều khoản quan trọng trong Hiệp định, đồng thời tính toán bước leo thang mới, hòng gây áp lực đối với ta trên bàn thương lượng.

    Thực hiện mưu đồ độc ác chưa từng thấy trong lịch sử, từ ngày 18 đến ngày 30/12/1972, Ních-Xơn đã ra lệnh dùng máy bay chiến lược B52 ném bom rải thảm Hà Nội, Hải Phòng và các khu vực đông dân cư khác. Với lòng dũng cảm vô song, với trí thông minh, sáng tạo tuyệt vời của con người Việt Nam, nhân dân ta đã chiến thắng trong cuộc đọ sức quyết liệt này, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” trong lịch sử, góp phần đập tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

    Thất bại nhục nhã, bị lên án và cô lập hơn bao giờ hết về chính trị trên thế giới, tập đoàn Ních-Xơn đã phải từ bỏ thái độ “thương lượng trên thế mạnh”, ký Hiệp định Pari về Việt Nam.

    Ngày 23/01/1973, Hiệp định được ký tắt giữa đồng chí Lê Đức Thọ - Cố vấn đặc biệt của Chính phủ ta và Kít-xinh-giơ (Kissinger) - Cố vấn của Tổng thống Hoa Kỳ. Lúc 11 giờ 30 phút (giờ Pari) ngày 27/01/1973, tại Trung tâm các hội nghị quốc tế (Phố Clê-be ở Pari) các bộ Trưởng ngoại giao thay mặt cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã tiến hành lễ ký chính thức “Hiệp định về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” và 3 Nghị định thư kèm theo.

Đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa tại lễ ký kết Hiệp định Pari (ảnh tư liệu). 

    Vào 15 giờ 45 phút cùng ngày, cũng tại địa điểm trên, Bộ Trưởng Ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với sự thỏa thuận của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Bộ Trưởng ngoại giao Hoa Kỳ với sự thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã ký chính thức bản “Hiệp định về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” và 4 Nghị định thư kèm theo (gồm 3 Nghị định thư đã ký vào buổi sáng và Nghị định thư về việc tháo gỡ, làm mất hiệu lực vĩnh viễn và phá hủy mìn ở vùng biển, các cảng sông ngòi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ ký).

    Bản Hiệp định Pari về Việt Nam gồm 9 chương, 23 điều. Nội dung chủ yếu của Hiệp định là: Hoa Kỳ cùng các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Hoa Kỳ hoàn toàn chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua Tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ. Việc thống nhất nước Việt Nam được thực hiện bằng phương pháp hòa bình.

    Hiệp định khẳng định quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. Nhân dân miền Nam sẽ tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua Tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ có sự giám sát quốc tế. “Các nước ngoài sẽ không được áp đặt bất cứ xu hướng chính trị hoặc cá nhân nào đối với nhân dân miền Nam Việt Nam” (Điều 9 của Hiệp định).

    Ngày 02/3/1973, theo Điều 19 của Hiệp định, tại Pari, Hội nghị Quốc tế về Việt Nam đã được triệu tập, các vị Bộ Trưởng ngoại giao thay mặt 12 chính phủ: Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, 4 bên tham gia ký hiệp định Pari, và 4 nước (Ba Lan, Canada, Hunggari, Inđônêxia) với sự có mặt của Tổng thư ký Liên Hiệp quốc đã ký vào bản Định ước để ghi nhận và bảo đảm việc thi hành Hiệp định Pari.

    Trong gần 5 năm, khoảng thời gian dài chưa từng thấy của lịch sử đàm phán, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam, cuộc đấu tranh ngoại giao của Nhân dân Việt Nam ở Pari đã thực sự góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tạo thế và lực cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi, từng bước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, mà Bác Hồ kính yêu đã chỉ ra trước lúc Người đi xa./.
Quốc Hùng
* Tài liệu tham khảo:
(1) Trương Tấn Sang, Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới toàn diện, đưa đất nước tiến lên, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội -2016.
(2) Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi và bài học”, Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Nxb Chính trị quốc gia.


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 108
  • Hôm nay: 7066
  • Trong tuần: 77,773
  • Tất cả: 11,801,093